Thời kỳ giám mục Tađêô_Lê_Hữu_Từ

Mục vụ Địa phận Phát Diệm trước 1954

Ngày 11 tháng 7 năm 1945, linh mục Lê Hữu Từ được Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám mục Hiệu tòa Daphnusia với chức vị Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm.[2][gc 2] Nhận được tin bổ nhiệm ngày 19 tháng 7, giám mục tân cử cùng một thầy tháp tùng đi xe đạp 800 km vào Huế gặp Khâm sứ Tòa Thánh Antoine Drapier. Sau khi trở về đan viện, giám mục tân cử đã đón phái đoàn chúc mừng từ giáo phận Phát Diệm, gồm ba linh mục. Họ đã bàn thảo về chương trình lễ tấn phong, vốn đã ấn định ngày 29 tháng 10 cùng năm.[9]

Giám mục Lê Hữu Từ chỉ mời các giám mục người Việt tham gia lễ tấn phong. Khi vị phụ phong là Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục bị mật thám Pháp cản trở tham dự lễ, Giám mục Từ đã từ chối Giám mục Địa phận Hải Phòng (người ngoại quốc) đến tham dự và làm phụ phong trong nghi thức truyền chức.[11] Lễ tấn phong được cử hành vào ngày 28[3] hoặc 29 tháng 10 cùng năm tại Nhà thờ chính tòa Phát Diệm, với phần nghi thức truyền chức do chủ phong là giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng và phụ phong là giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Địa phận Bùi Chu. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử phái đoàn đến dự lễ và chúc mừng. Phái đoàn gồm các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Mạnh Hà, Trần Huy Liệu và cựu hoàng Bảo Đại. Hiện diện trong lễ tấn phong còn có Thượng toạ Thích Trí Dũng và Đại đức Thích Tâm Châu. Phái đoàn chính phủ trao thư chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tân Giám mục Lê Hữu Từ, trong thư có đoạn:[9]

Mừng ngài vì cuộc tấn phong này đã chứng tỏ một cách vẻ vang đạo đức của ngài. Mừng đồng bào Công giáo vì từ nay các bạn đã được một vị lãnh đạo rất xứng đáng. Đồng thời tôi mừng cho nước ta vì tôi chắc rằng: Ngài sẽ lãnh đạo đồng bào Công giáo noi gương Đức Chúa mà hy sinh phấn đấu để giữ gìn quyền Tự do và Độc lập của nước nhà.

Nhân ngày tấn phong Giám mục của Giám mục Lê Hữu Từ (28 tháng 10 năm 1945), các linh mục Tổng Đại diện và các đại biểu là giáo dân ở các địa phận miền Bắc và miền Trung Việt Nam tiến hành họp hội nghị thành lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam[gc 3] với châm ngôn: Thiên Chúa và Tổ Quốc.[4][gc 4]

Suốt trong gần một thập niên trực tiếp quản lý địa phận Phát Diệm, Giám mục Lê Hữu Từ không bao giờ cho đóng cửa các chủng viện và không hạn chế những người muốn đi theo con đường tu trì trong các hội dòng. Tính đến năm 1953, Giám mục Từ đã truyền chức 43 linh mục, đại chủng sinh tăng từ 40 lên 80. Trong thời kỳ này, có khi Đại chủng viện Phát Diệm trở thành nơi đào tạo các chủng sinh từ các địa phận (hạt Đại diện Tông Tòa) khác như Hưng Hóa, Thanh Hoá, Hà NộiKon Tum. Ông phát triển Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm và thống nhất các chi nhánh Dòng Mến Thánh Giá trên lãnh thổ Việt Nam.[9]

Về lĩnh vực giáo dục, Giám mục Lê Hữu Từ cho duy trì trường Trần Lục và 48 trường Công giáo, tổng số học sinh vào khoảng 10.000 người.[9] Tháng 10 năm 1953, ông cho 48 người[gc 5] gồm linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân đi du học Rôma.[4] Địa phận có một nhà in và một tờ báo là tuần báo Tiếng Kêu, về sau đổi tên gọi trở thành nguyệt san Đời Sống. Do có uy danh, khu vực Phát Diệm có an ninh cao hơn khi chiến tranh tái diễn và do đó nhiều nạn nhân chiến tranh đến Phát Diệm sinh sống. Trong số 60.000 người đến Phát Diệm, có một nửa trong số đó sống cạnh Tòa giám mục. Giám mục Lê Hữu Từ đình chỉ việc xây Đại chủng viện và kiến thiết Trường Trần Lục nhằm lấy hai mảnh đất và dựng 600 căn nhà cho các gia đình tản cư. Ông cũng dành kinh phí tài chính sửa chữa đê Cồn Thoi, nhằm đảm bảo mùa màng và có lương thực nuôi sống chủng sinh, dân tị nạn.[9]

Trong hoàn cảnh khó khăn, giám mục Từ vẫn tổ chức các hoạt động tôn giáo: đi kinh lý, giảng tĩnh tâm, tuần đại phúc và quan tâm trò chuyện với giáo dân. Ông tổ chức cách trọng thể việc rước tượng Đức Mẹ Fatima tại Địa phận. Tổng cộng, ông đã viết 90 thư luân lưu cho giáo dân. Ngoài các vấn đề thuần túy tôn giáo, ông cho thành lập trại tiếp cư, hỗ trợ đồng bào không phân biệt tôn giáo là nạn nhân chiến tranh.[4]

Các hoạt động trong chiến tranh Việt–Pháp

Ngày 25 tháng 1 năm 1946, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòaHồ Chí Minh đến thăm Phát Diệm và đề nghị giám mục Lê Hữu Từ đảm nhận chức Cố vấn Tối cao cho chính phủ.[4][gc 6] Hồ Chí Minh nhiều lần gọi ông là “người bạn thân thiết”, “người bạn quý mến”… Ông thường thư từ với Hồ chủ tịch và cộng tác với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa khi cử linh mục đi uý lạo đồng bào miền Nam Trung Bộ đầu năm 1949. Ông cũng được ghi nhận đã cho huy động giáo dân phá cầu Trì Chính để cản đường quân Pháp hành quân năm 1949.[11]

Thư chung ngày 23 tháng 3 năm 1947, Lê Hữu Từ kêu gọi giáo sĩ Công giáo đoàn kết chống Pháp: "Các cha biết rằng, một vài người cộng tác của chúng ta và nhiều giáo dân đã bị bắt và giam giữ nhiều ngày, vì họ bị nghi ngờ là đảng viên của các đảng phái chống chính phủ. Nhiều người bị bắt do ông Huệ, một thày giảng của địa phận Thanh Hoá ẩn núp trong địa phận chúng ta, tung ra những tin đồn lung tung và thậm chí mạo danh tôi để đánh lừa dân chúng. Các cha đừng để nó tự do qua lại trong các họ đạo của mình và nếu phát hiện thì hãy bắt và nạp giải cho tôi. Kẻ nào tiếp tục liên hệ với ông ấy, hoặc che giấu nó, thì đừng phân bua rằng mình vô tội khi bị cảnh sát làm khó dễ. Hơn bao giờ hết, toàn dân phải một lòng đoàn kết, chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để vấn đề đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với các cha, lần này nữa, tôi xin các cha hãy nghe lời tôi”.[11]

Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, chính phủ Việt Minh dời lên Việt Bắc. Dưới sự kích động của người Pháp, cùng với sự quá khích của dân chúng, một số cuộc xung đột đã nổ ra giữa lương dân và giáo dân. Để xoa dịu những xung đột và tránh những ảnh hưởng bất lợi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cũng như gửi các đặc phái viên để giải quyết xung đột, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Giám mục Lê Hữu Từ cũng như giới Công giáo.[12]

Trong cùng một thư đó, giám mục đã bảo các linh mục chớ nói đến chính trị trong các nhà thờ và cũng hãy cảnh giác đối với những người lạ mặt thường lảng vảng vào các xứ đạo để thám thính hay tuyên truyền ủng hộ Pháp. Ông gọi đó là những tên phản quốc. Ông liên tục chỉ đạo mở rộng các đội vũ trang, từ những trung đội "Vệ sĩ Công giáo" (1946), thành "Đoàn Cựu chiến binh Công giáo" (1947), rồi các đoàn "Dũng sĩ Công giáo" (1948)... Giáo khu Phát Diệm được tổ chức thành 3 khu quân sự là khu Phát Diệm, khu Phúc Nhạc và khu Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan. Tất cả đều được đặt dưới quyền chỉ huy chung của "Tổng bộ Tự vệ Công giáo", do linh mục Hoàng Quỳnh làm Tổng chỉ huy.

Từ tháng 11 năm 1948, sau khi Giám mục Bùi Chu là Giuse Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn qua đời, Tòa Thánh chỉ định ông kiêm Giám quản Tông tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Bùi Chu. Ảnh hưởng và tổ chức của ông tiếp tục lan ra đến Bùi Chu[13]. Cả một khu vực Bùi Chu – Phát Diệm trở thành khu tự trị Công giáo với 40 vạn giáo dân, dưới sự cai quản của ông, ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thư ngày 25 tháng 1 năm 1949, Giám mục Lê Hữu Từ lên án Pháp: "Quân lính Pháp, với một sự dã man tột độ, đã phá huỷ tất cả, không trừ một thứ gì, kể cả nhà thờ. Trong vòng một năm, gần 300 nhà thờ đã bị bom đánh phá". Ông đã bị Pháp xếp vào hàng ngũ là loại người "có đầu óc quốc gia hơn hết" và là "linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp". Chính vì vậy, thực dân Pháp dùng cách chia rẽ giám mục Từ với khả năng kháng chiến. Thư chung ngày 20 tháng 10 cùng năm, Giám mục Lê Hữu Từ bác bỏ thông từ từ hãng truyền thông AFP cho rằng cuộc hành quân của Pháp được tiến hành vì chính quyền Bảo Đại nhận được lời đề nghị của Giám mục Lê Hữu Từ. Ông tuyên bố: "Tôi không bao giờ có ý nghĩ xin bọn lính Pháp can thiệp" và "Tôi chưa hề có quan hệ với Chính phủ Bảo Đại."[11]

Lập trường của Giám mục Lê Hữu Từ là chống cả Pháp lẫn Việt Minh. Tuy vậy, do Việt Minh là tổ chức đang cầm quyền kháng chiến chống Pháp, người Công giáo "phải lựa chọn những gì mình không muốn lựa chọn", theo tác giả linh mục Trương Bá Cần, viết trên báo Công giáo và Dân tộc.[4] Sự chuyển hướng của Giám mục Lê Hữu Từ, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Thông là kết quả của "sự đối đầu loại trừ nhau của vấn đề ý thức hệ mà cả đạo và đời lúc này chưa dễ vượt qua". Có thể thấy rõ qua câu nói của ông này với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp nhau ở Phát Diệm đầu năm 1946:[gc 7] "Tôi và dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng nếu Cụ là cộng sản thì tôi chống Cụ từ giờ phút này".[14]

Trái với những tuyên truyền chống đối, Lê Hữu Từ là người quyết liệt chống thực dân. Cho tới cuối thập niên 1940, ông đã thành công trong việc bảo vệ khu tự vệ Phát Diệm–Bùi Chu khỏi cả thực dân lẫn cộng sản.[15] Bước sang 1950 khi xung đột trên bán đảo Đông Dương đã mang màu sắc của Chiến tranh Lạnh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng gắn kết với khối cộng sản quốc tế, cả thực dân Pháp và cộng sản Việt Nam đều muốn kiểm soát khu tự vệ Công giáo.[16] Bị kẹt ở giữa, cuối cùng Lê Hữu Từ cũng đồng ý hợp tác với Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu. Tuy vậy sự xung khắc của ông với thực dân Pháp vẫn giữ nguyên. Tinh thần dân tộc của ông thậm chí còn được Hồ Chí Minh và những người cộng sản khâm phục.[15]

Di cư và công việc mục vụ tại miền Nam

Bia mộ Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ

Ngày 30 tháng 6 năm 1954, Giám mục Từ cùng với 143 linh mục và 80.000 giáo dân Phát Diệm thực hiện cuộc di cư vào Nam.[17][18] Một sĩ quan Việt Minh trẻ là Vũ Ngọc Nhạ đã giúp đỡ ông trong việc tổ chức di cư này.

Cuối tháng 6 năm 1954, làn sóng di cư từ Phát Diệm khởi sự. Giám mục Lê Hữu Từ cho tập trung giáo dân địa phận thành từng khối nhằm hỗ trợ lẫn nhau và cho họ định cư tại các vùng Bình Xuyên, Gia Kiệm, Phương Lâm, Bảo Lộc, Cần Thơ. Ông cho xây dựng tiểu chủng viện tại Phú Nhuận, Dòng Mến Thánh Giá tại Gò Vấp ngay sau khi di cư để tiếp tục các chương trình mục vụ. Thập niên 1960, Giám mục Từ cho xây nhà hưu dưỡng Phát Diệm tại Gò Vấp và xây dựng cơ sở tại Roma nhằm tạo phương tiện tài chính để giúp đỡ địa phận Phát Diệm.[9]

Tại miền Nam Việt Nam, giám mục Lê Hữu Từ hỗ trợ giáo dân và linh mục tìm kiếm nơi định cư. Sau khi tình hình ổn định, ông cho mở lại các hoạt động sinh hoạt tôn giáo. Vài năm sau đó, giám mục Từ được Hội đồng Giám mục miền Nam cử giữ chức Giám đốc Trung tâm Công giáo Việt Nam mới thành lập và làm Tổng Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng hòa.[4] Ông giữ các chức vụ này trong thời gian ngắn trước khi tham gia Công đồng Vatican II. Trong thời gian tham gia Công đồng, ông sinh sống tại trụ sở Phát Diệm tại Rôma, kiến thiết phát triển cơ sở mà sau này là Foyer Phát Diệm. Giám mục Lê Hữu Từ cũng đến Thụy Sĩ thăm các đan sĩ Dòng Xitô Việt Nam (L’Ordre de Cîteaux) và nhận tin mắc bệnh ung thư.[9] Do sức khỏe suy yếu, ông hưu dưỡng tại tu viện Châu Sơn Đơn Dương, một chi nhánh của dòng Xitô Phước Sơn. Sau đó ông đến hưu dưỡng tại nhà An dưỡng Phát Diệm ở Gò Vấp.[4]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tađêô_Lê_Hữu_Từ http://indochine.uqam.ca/en/historical-dictionary/... http://indochine.uqam.ca/en/historical-dictionary/... http://giaoluatconggiao.com/Cac-Quy-Che/tu-chinh-h... http://archive.is/7xWf http://giaophanvinhlong.net/Dieu-Le-Quoi-Chuc-Gp-V... http://thuvienconggiaovietnam.net/admintvcg/upload... http://www.gcatholic.org/dioceses/diocese/buic0.ht... http://www.gcatholic.org/dioceses/former/t0607.htm http://vntaiwan.catholic.org.tw/vnchurch/phatdiem/... http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnchurch/phatd...